CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN THĂM BLOG CỦA " CÂU LẠC BỘ TẤM LÒNG BÈ BẠN "

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Viết tặng Liệt sĩ Ngô Đảo Tư


Nước mắt của mẹ lại rơi. Nỗi xót xa của sự mất mát cứ quặn sâu trong lòng mẹ. Có người mẹ nào không vui mừng đón nhận con mình ra đời, hi vọng vào một tương lai tươi sáng.
Có người mẹ nào không khắc khoải chờ tin con trong chiến tranh lửa đạn một thời hy vọng mỏng manh. Để rồi hôm nay, tôi được biết thêm một người mẹ nữa, cũng là sự chờ mong mỏi mòn, chỉ chờ vơi đi phàn nào bằng một niềm tin: Tìm được nơi con yên nghỉ để đón nắm sương tàn lạnh lẽo của con về lại trong vòng tay của mẹ thuở nào.


Ai cũng có thời khắc sinh ra và lớn lên. Nhớ nhất trong đời người hai ngày, đó là ngày sinh và ngày mất. Còn nhớ lắm ngày con ra đời, lòng mẹ lâng lâng trao yêu thương bằng giọt sữa ngọt ngào còn hơi cay của mùi khói đạn.
Con lớn lên khi đất nước ta còn chìm trong bể khổ, li tán. Ai ai cũng ý thức được điều đó trong chốc lát, mẹ cũng vậy. Bát cơm thấm dòng nước mắt, nhưng rồi mẹ vẫn cứ nuôi con lớn khôn, đủ vững vàng thành một anh thanh niên khí phách hiên ngang, đôi mắt sáng rực rỡ như ngôi sao, hừng hực nhiệt huyết anh hùng, cầm súng bảo vệ quê hương. Mẹ hiểu, đất nước đặt trọn niềm tin vào những con người khí phách như các con của mẹ.
Thế là con và mẹ chia tay, một cuộc chia li không ngày hẹn gặp!

Anh ra đi ! Mẹ ngăn dòng nước mắt tiễn anh lên đường làm nhiệm vụ của một người con hiếu thảo, yêu nước.
Bàn tay nhỏ liêu xiêu giơ cao vẫy chào trong thương cảm chênh vênh. Có khi nào cuộc chia tay lại trở thành chia li hay không? Chiến tranh là câu trả lời cho tất cả những người ra đi và người ở lại. Nỗi nhớ quặn thắt nơi mẹ chẳng thể ngăn bước anh lên đường. Sự thầm lặng của mẹ dõi theo anh trong ngày nắng lửa bom rền.Thế rồi anh đi và đi mãi mãi.
Anh trở về với mẹ bằng một tờ giấy. Cái lạnh buốt nơi sống lưng khi đôi bàn tay run run đón nhận tin anh:
''Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin :Liệt sĩ Ngô Đảo Tư đã hi sinh anh dũng tại mặt trận phía Nam...''
Kí tên và đóng dấu.

Anh về với mẹ “êm đềm” thư thế đấy. Những người thân yêu chào đón anh bằng những giọt nước mắt nhập nhòa tờ thông điệp mà bất cứ ai khi nhận cũng rụng rời tâm khảm.
Tổ Quốc ghi công anh và câu trả lời mới tạm thời như vậy. Đất nước vẫn còn gồng mình trong cuộc trường chinh khốc liệt nhất lịch sử dân tộc ta.
Tất cả tuổi xuân của một con người
Vĩnh biệt cõi đời.
Câu trả lời vẻn vẹn có vậy thôi.

Có nỗi đau nào giống nỗi đau nào,có sự mất mát nào lại đem ra so sánh với nỗi đau người mẹ mất con bỏ xác nơi chiến trường mãi mãi. Ngày anh đi mẹ còn tiễn anh kia mà, sao anh về mẹ chỉ mong một nắm xương tàn cũng thật khó khăn? Nỗi nhớ cứ ngày càng chồng chất xen nỗi xót xa, chia lìa.
Mẹ nhớ anh, nỗi mong ấy chỉ biết hướng về nơi di ảnh nghi ngút khói hương tàn lạnh lẽo. Gọi tên anh trong vô vọng, lặng thầm, ảm đạm, thê lương. Dấu chân mẹ in theo những nẻo đường anh đã đi qua để tìm lại nơi anh nằm xuống. Nước mắt nhỏ thành dòng thương nhớ mong anh sớm về bên mẹ, ấp ủ bên ''bầu sữa tâm linh'' căng tròn kể từ ngày anh đi. Dòng sữa ngọt trắng trong không bao giờ cạn mẹ dành cho con lúc xa cửa, xa nhà. Người con trai còn trinh nguyên, chưa một lần được trao và nhận nụ hôn đầu vụng về, e lệ, đã cầm súng ra trận và mãi không về. Nhìn bạn bè trang lứa với con đã yên bề gia thất khiến lòng mẹ quặn thắt . Có chăng ngọn gió lành nào đưa con về với mẹ, để ngày gặp con mẹ vơi bớt nỗi xót xa chất chứa bao ngày qua. Con đã vĩnh biệt tuổi xuân, vĩnh biệt cõi đời để lại sự nhức nhối trong tâm can mẹ:
''Ngày giỗ của anh cả nhà biết được đâu
Đành tạm lấy ngày thương binh liệt sĩ
Anh hi sinh trên chiến trường diệt Mĩ
Giấy báo tử nhòa nước mắt người thân''


Ngày giỗ '' của con giờ đây mẹ vội lấy ngày tưởng nhớ chung của cả nước. Bia mộ ai cũng ghi rõ hai ngày, còn con mẹ không biết đặt tìm bia mộ nơi nao. Gía như ngày được báo tin con hi sinh, mẹ và gia đình được tận tình đón nhận tin thật rõ ràng ngày hi sinh để tưởng nhớ.
Nỗi mất mát có thể vơi đi được phần nào nếu như Đảng và Nhà nước ta quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn với người nằm xuống, giấy báo tử rõ ràng hơn, không chỉ vẻn vẹn đôi ba dòng không cụ thể. Bởi vậy, niềm mơ ước nhỏ nhoi của mẹ cũng là mong mỏi của bao thân nhân các liệt sĩ muốn giỗ đúng ngày cũng không dễ dàng gì, huống chi hơn 40 năm qua mẹ ròng rã tìm con, lần vết bao ngôi mộ vô danh mà chưa nghe thấy tiếng con gọi mẹ. Một mong mỏi nhỏ nhoi nhưng lại rất cần thiết trong đời sống tâm linh của người phương Đông.
Nỗi đau vẫn mãi là nỗi đau! Mẹ chỉ cần tìm lại những gì có thể để vơi đi phần nào nỗi đau mãi vò xé lòng mẹ cùng bao người thân yêu, ruột thịt của anh.

Nỗi đau chồng chất nối đau! Hôm nay đây cả nước đang rực cờ chào đón hân hoan ngày toàn thắng. Người nằm xuống như nở nụ cười mãn nguyện trước vận mệnh nước nhà. Có ai thấu chăng trong cuộc kháng chiến ác liệt ấy, cuộc chiến hào hùngcủa dân tộc đầy đau thương và mất mát để đổi lấy độc lập tự do cho dân tộc hôm nay. Dòng tên của người ra đi khắc vội trên gốc cây, hốc đá, có kịp nhoà nhạt thay nước mắt người tiễn đưa.
''Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh anh tròn ngày ,tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi,chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày,lưỡi hái''

Con của mẹ ra đi không ngày trở lại. Cái hi vọng mong manh ấy chỉ làm cho mẹ luôn sống trong mòn mỏi đợi chờ. Chiến tranh cũng qua rồi, người nằm đó vẫn lặng lẽ chờ mong. Ai sẽ là người bù đắp cho nỗi đau xé lòng đây?
''Khi đất nước thanh bình trở lại
Gia đình mình đựơc địa phương ưu đãi
Gửi tặng một nghìn viên gói Hương Canh
Góp phần thay cái mái nhà tranh
Ngày anh ra đi chưa kịp làm cho mẹ
Thật trân trọng đó là quà tình nghĩa
Quê hương nghèo đùm bọc nỗi thương đau
Cũng vơi phần nào nỗi cực nhọc,âu sầu
Quệt bã trầu cay mẹ cười mỏm mẻm.''

Một chút thôi xoa dịu nhẹ nỗi đau, một sự quan tâm nhẹ nhàng thăm hỏi tới mẹ khiến mẹ dịu lòng. Ta không thể có một cuộc trao đổi cụ thể để nhìn ra được cái mất và cái còn, người ra đi và người ở lại. Mẹ thầm cám ơn sự quan tâm, chia sẻ cùng mẹ sự mất mát khôn cùng. Phải chăng Quê hương đã giúp con của mẹ làm nốt phần còn lại mà con chưa kịp chăm lo.
Có ai thay thế được con của mẹ không nào?
Có ai thay thế được những hi sinh thầm lặng của mẹ và bao thân nhân trong ngày lửa đạn cũng như lúc đất nước thanh bình?
Nỗi buồn của mẹ cứ ngày càng chất chứa. Cái vinh danh mà ta đón được có phải là cái mong muốn của bao con người đã và đang phải tiếp tục chịu đựng hy sinh?Đến khi nào có thể bù đắp cho hết đây?
''Nhà mình ở sâu trong ngõ hẻm
Mặt đường to người ta nhận mất rồi

Mẹ muốn tìm một chỗ để ngồi
Bán mớ rau,hoa,quả ,vườn thơm ngọt
Nhặt nhạnh những đồng tiền chân thật
Chắt chiu để giành lo ngày giỗ cho anh

Mà nhiều khi cũng phải cạnh tranh
Nơi góc chợ với hàng tôm,hàng cá.''

Có chăng bên cạnh sự bù đắp nhỏ nhoi, một niềm mơ ước của mẹ cũng thành hư vô. Cái mất đi không bao giờ lấy lại được, huống chi cuộc sống đương thời lại oằn sâu trong từng thớ thịt mới nhức nhối, thức tỉnh lại nỗi đau ngày một giằng xé. Mẹ đã quá quen với sự chịu đựng hi sinh, nên chút nhỏ nhoi kia chẳng thấm vào đâu. Và mẹ sẽ tiếp tục thầm lặng chịu đựng sự thiệt thòi của xã hội. Vẫn biết rằng, còn nhiều điều trái với lương tri, trái với lẽ thường của cuộc sống nhưng ta vẫn phải chấp nhận. Mẹ vẫn mãi kiên trì, nhẫn nại chịu đựng trong bình lặng để giữ cho linh hồn con siêu thoát vĩnh hằng. Các anh ơi! Hãy nghe tiếng lòng của những người thân:
''Qua đi bao tháng năm ròng,
Thân anh còn gửi trong lòng đất sâu.
Ở nhà mẹ vẫn nguyện cầu,
Để hồn anh rực rỡ mầu hào quang".

Ầu ơ..........lời mẹ ru con vẫn vang vọng đâu đây. Bầu sữa mẹ ngày xưa đã cạn kiệt theo dòng đời khắc nghiệt, nhưng ''Bầu Sữa Tâm Linh'' trong tâm hồn mẹ vẫn căng tròn, không bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ.
Nơi anh yên nghỉ sẽ mãi là vùng trời bình yên bởi "Cánh Tay Tâm Linh" của mẹ luôn dang rộng, che chở cho anh.
Anh hãy yên lòng nơi đất đỏ, rừng xanh cây lá. Bởi một lẽ bình dị dịu dàng: Nơi ta ở,Trời là Cha Đất là Mẹ và mãi là Quê Hương.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét